Truyền thuyết cùng hình tượng Tây Vương Mẫu

Gặp Chu Mục vương

"Mục Thiên tử gặp Tây Vương Mẫu", tranh vẽ thời nhà Triều Tiên.

Một trong những truyền thuyết nổi tiếng nhất về bà là việc gặp gỡ Chu Mục vương thời Tây Chu - một trong những vị Thiên tử vĩ đại nhất của thời kỳ này.

Sách Mục thiên tử truyện là một bản sách bằng thẻ tre được cho là sáng tác vào khoảng đời Xuân Thu, được phát hiện vào đời nhà Tấn và được các văn nhân đương thời như Tuân Úc tiến hành soạn lại thành 6 quyển. Trong nội dung cuốn ghi chép này có một câu chuyện về việc Chu Mục vương xuất hành đi về phía Tây, tại đó ông đã gặp gỡ một nữ thần xinh đẹp được gọi là Tây Vương Mẫu. Ghi chép đại khái nói:

  • 「"Chu Mục vương cưỡi tám con tuấn mã tên Xích Ký (赤驥), Đạo Ly (盜驪), Bạch Nghĩa (白義), Du Luân (逾輪), Sơn Tử (山子), Cừ Hoàng (渠黃), Hoa Lưu (驊騮) và Lục Nhĩ (綠耳), do Tạo Phụ đánh xe, Bá Yểu dẫn đường, ở khoảng năm thứ 13 (khi ông trị vì) đến năm thứ 17, tiến hành Tây chinh về phía núi Côn Lôn. Đoàn hộ giá xuất phát từ Tông Chu, vượt qua sông Chương, đi qua các vùng núi Hà Tông, Dương Hu, núi Quần Ngọc, hành trình qua 9 vạn dặm, trải qua Tứ hoang, chạm đến Lưu sa phía Bắc, diện kiến Tây Vương Mẫu. Sau đi đến Âm Sơn, cao nguyên Mông Cổ, bồn địa Tháp Lý Mộc, Thông Lĩnh"」.

Theo cách miêu tả trong "Mục thiên tử truyện", hình tượng của Tây Vương Mẫu vào thời gian này đã không còn kì dị nữa, mà trở thành một nữ thần có nhan sắc rất đẹp, giỏi ca hát, khiến Chu Mục vương mê mẩn. Cả hai người họ yêu nhau, Mục vương đem các của cải của mình mang đến thiết yến bên cạnh Dao Trì của Tây Vương Mẫu, cả hai say sưa đàn hát.

Tây Vương Mẫu hát ca dao:「"Bạch vân tại thiên, sơn cung tự xuất, đạo lí du viễn, sơn xuyên gian chi, tương tử vô tử, thượng năng phục lai"」[6], ý rằng Thiên tử đến cùng ta chung vui rất quý, nhưng liệu co thể gặp lại được chăng. Chu Mục vương nghe xong cũng thật cao hứng, cầm lòng không đậu mà cũng xướng khởi ca dao:「"Dư quy đông thổ, hòa trị chư hạ, vạn dân bình quân, cố ngô kiến nhữ, bỉ cập tam niên, tương phục nhi dã"」[7], ý rằng bản thân ông cần phải trở về cai trị dân chúng thật tốt, khi thiên hạ thái bình thì sẽ lại đến gặp Tây Vương Mẫu. Đối với chuyện gặp gỡ này Chu Mục vương nhớ mãi không quên, còn khắc lại trên đá của Yểm Sơn, trồng cây hòe bên cạnh.

Câu chuyện này tiếp tục được chép trong Trúc thư kỉ niênSử ký Tư Mã Thiên (mục Triệu thế gia)[8].

Gặp Hán Vũ Đế

Câu chuyện Tây Vương Mẫu gặp gỡ Hán Vũ Đế cũng là một trong những truyền thuyết nổi tiếng nhất nói về bà, có ghi trong Hán Vũ cố sự cùng Hán Vũ Đế nội truyện (漢武帝內傳) của Cát Hồng. Câu chuyện này xoay quanh về phép trường sinh bất tử.

Chuyện kể rằng, Hán Vũ Đế tin tưởng Đạo giáo, nghe nói mùng 7 tháng 7 (là ngày Thất tịch), Tây Vương Mẫu sẽ xuống điện nên vội vàng bày biện nghênh tiếp. Vào ngày đó, đúng canh hai, Tây Vương Mẫu ngồi xe mây màu tía xuống điện, gặp gỡ Hán Vũ Đế. Khi Tây Vương Mẫu gặp gỡ Hán Vũ Đế, bà đãi ông một buổi tiệc linh đình, tặng cho ông 7 viên đào tiên (có sách nói là 5 viên)[9]. Đào tiên của Tây Vương Mẫu được gọi Bàn đào (蟠桃), được gieo trồng ở vườn đào trên núi Côn Luân, có công hiệu trường sinh bất lão. Truyền thuyết chỉ cần ăn một trái đào tiên là có thể đủ kéo dài ba ngàn năm tuổi thọ. Hán Vũ Đế không thể tận dụng và học hỏi được các phép thần thông của bà và không thể đạt được đến sự bất tử như mong muốn.

王母命侍女以玉盤盛仙桃七顆,大如鴨卵,形圓青色,王母以三顆與帝,帝食之甘味,收核欲種之,王母曰:「此桃三千年一生實,中夏地薄,種之不生」。

.

Vương Mẫu mệnh Thị nữ lấy mâm ngọc có 7 trái đào tiên, to như trứng vịt, màu xanh lá. Vương Mẫu lấy 3 trái ăn cùng Đế, Đế thấy vị rất ngon, muốn thu lại lấy hạt trồng. Vương Mẫu nói:「"Đào này 3000 mới sinh quả, đất ở Trung Hạ mỏng, trồng cũng không ra quả đâu"」.

— Tây Vương Mẫu cùng Hán Vũ Đế

Sách "Hán Vũ Đế nội truyện" cũng miêu tả lại rất rõ dung nhan của Tây Vương Mẫu:

王母上殿東向坐,着黃金褡襡,文采鮮明,光儀淑穆。帶靈飛大綬,腰佩分景之劍,頭上太華髻,戴太真晨嬰之冠,履玄璚鳳文之舄。視之可年三十許,修短得中,天姿掩藹,容顏絕世,真灵人也。

.

Vương Mẫu lên điện, ngồi ở hướng Đông. Mặc áo màu hoàng kim, hoa văn đẹp đẽ, dung mạo sáng rỡ trong trẻo. Đeo một dải linh phi đại thụ, eo mang kiếm Phân Cảnh, trên đầu búi tóc hình hoa lớn, đội mũ Thái Chân Thần Anh, mang giày Huyền Quỳnh Phụng Văn. Nhìn tuổi chỉ cỡ hơn ba mươi, tu đoản đắc trung, thiên tư yểm ái, dung nhan tuyệt thế, thật là một người khác thường.

— Hán Vũ Đế nội truyện - 漢武帝內傳

Đạo giáo truyền thuyết

Truyền thuyết về bà đáng tin cậy và phổ biến nhất, là trong các thần hệ Đạo giáo. Tây Vương Mẫu là nữ thần cai quản Tây Côn Lôn, cùng với chồng là Hạo Thiên Thiên Đế cai quản Thiên đình. Bà và Ngọc Hoàng Đại Đế không hề có quan hệ ruột thịt gì.

Đức Nguyên Thủy Thiên Tôn còn gọi là “Ngọc Thanh Nguyên Thủy Thiên Tôn”, là vị tối cao trong Tam Thanh, cũng là vị Tôn Thần hạng nhất của Thần Tiên Đạo Giáo. Theo “Lịch đại thần tiên thông giám” tôn xưng Ngài là “Vị Tổ chủ trì cõi trời”. Địa vị của Ngài tuy cao, nhưng lại xuất hiện muộn hơn Thái Thượng Lão Quân.

Hồi đầu của Đạo giáo không thấy nói đến Nguyên Thủy, trong “Thái Bình Kinh”, Tưởng Nhĩ Chú” cũng đều không thấy ghi tên Ngài, kể cả trong thần thoại xưa Trung Quốc cũng không thấy nói đến hành trạng Ngài. Danh xưng Nguyên Thủy xuất hiện sớm nhất trong “Chẩm trung thư” ghi là “Trước lúc hổn độn chưa phân rõ (thái cực), đã có “tinh hoa của trời đất” hiệu là “Nguyên Thủy Thiên Vương”sẵn bên trong, sau phân hóa thành hai phần (lưỡng nghi), Nguyên Thủy Thiên Vương ở phía trên cõi trời, ngẫng lên hút thiên khí, cúi xuống uống địa tuyền (suối đất ) trải qua vô số kiếp , cùng với Thái Nguyên Ngọc Nữ thông khí kết tinh mà sanh ra Thiên Hoàng Tây Vương Mẫu. Thiên hoàng sanh ra Địa Hoàng, Địa Hoàng sanh ra Nhân Hoàng, tiếp tục sanh ra con cháu là Bào Hi, Thần Nông. Cho nên bảo rằng : “Phía trên Đại La có bảy ngọn núi báu gọi là Huyền Đô Ngọc Kinh, có ba cung. Thượng cung là nơi ở của Bàn Cổ Chân Nhân, Nguyên Thủy Thiên Vương và Thái Thái Thánh Mẫu”. Như vậy, từ đây mới có danh xưng Nguyên Thủy Thiên Vương.

Sớm tại thời đầu Hán, truyền thuyết của Đạo giáo lưu truyền Tây Vương Mẫu có liên quan đến thuật trường sinh bất lão, đây cũng là hình tượng được gắng liền về bà nhất trong rất nhiều dị bản truyền thuyết, nhất là truyền thuyết của Đạo giáo. Trong sách "Hoài Nam tử" của Lưu An, có ghi lại câu chuyện giữa Hằng NgaHậu Nghệ, đã đề cập đến vai trò của thứ thuốc trường sinh và Tây Vương Mẫu là người nắm được bí mật của thứ thuốc ấy[10]. Đây là tiền đề cho Đạo giáo thời Hán về sau, người Đạo giáo bắt đầu suy tôn Tây Vương Mẫu, địa vị của bà được tôn kính hơn hẳn. Thời Đông Tấn, các truyền thuyết của Đạo giáo cho rằng Tây Vương Mẫu là con gái của Đệ nhất thần trong Đạo giáo - Nguyên Thủy Thiên Tôn.

Tranh vẽ "Tây Vương Mẫu" tại Việt Nam, khoảng năm 1800.

Học giả Cát Hồng thời Tấn, viết Chẩm trung thư (枕中書) có đoạn:「"Khi hai cực chưa phân tách, thiên-địa-nhật-nguyệt chưa có đủ, đã xuất hiện Bàn Cổ chân nhân, tự hiệu Nguyên Thủy Thiên vương. Sau đó, ông cùng Thái Nguyên Thánh mẫu thông khí kết tinh, sinh Đông Vương Công cùng Tây Vương Mẫu. Sau lại sinh Địa Hoàng, Địa Hoàng lại sinh Nhân Hoàng"」[11]. Sách Tập thuyết thuyên chân (集說詮真) dẫn "Tiên truyện thập di" (仙傳拾遺) lại nói:「"Tây Vương Mẫu ở giữa Côn Luân, có thành ngàn dặm, 12 tòa ngọc lâu. Bên trái có Ngọc nữ hầu, bên phải có Vũ đồng hạ. Các nữ tiên trong Tam giới thập phương đều là dưới trướng của bà"」[12].

Bởi vậy từ ấy, Đạo giáo tu sĩ xưng Phù Tang Đại Đế Đông Vương Công làm Nguyên Dương Phụ (元暘父), còn Thái Chân Tây Vương Mẫu là Cửu Quang Huyền Nữ (九光玄女). Đông Vương Công hóa vạn vật, Tây Vương Mẫu hóa vạn linh, Tây Vương Mẫu cũng được tôn xưng Vạn Linh Chúa Mẫu (萬靈主母). Bà ở núi Côn Luân, là chủ quản của các nữ tiên trong tiên giới, là lãnh tụ tối cao của các nữ tiên trong truyền thuyết. Từ đây địa vị của Tây Vương Mẫu một bước lên trời, hình tượng răng hổ mình báo quái dị của thời Sơn Hải kinh đại biến, vì thế Đạo giáo văn nhân lại mổ xẻ hình tượng, nói người mang hình dạng kia không phải Tây Vương Mẫu, mà là 「"Vị thần Bạch Hổ phía Tây, sứ giả của Tây Vương Mẫu"; 西方白虎之神,西王母的使者」. Sách Tiên dao hư kinh (逍遙虛經) một lần nữa khẳng định:「"Người có búi tóc cài đầu chim đái thắng, răng hổ gầm ừ ấy là sứ giả của Tây Vương Mẫu, mà không phải nguyên hình của bà"」[13].

Thời nhà Đường, hình tượng Tây Vương Mẫu có thể nói là đã rất hoàn hảo. Sách "Dung Thành tập tiên lục" của Đỗ Quang Đình ghi lại:「"Kim Mẫu Nguyên quân, cũng là Cửu Linh Thái Diệu Quy Sơn Kim mẫu. Một hiệu nữa là Thái Linh Cửu Quang Quy Sơn Kim mẫu, lại hiệu Tây Vương Mẫu. Bà là tinh túy của phương Tây, là cực tôn của Động Âm"」[14]. Bà cùng Đông Vương Công được xem là thực hóa của thiên địa, âm dương của trời đất, hiệp trợ thiên địa, tán tương dưỡng dục. Khi các tu tiên đắc đạo, theo quan niệm Đạo giáo, nam giới thì bái tế Đông Vương Công, nữ thì bái tế Tây Vương Mẫu, sau đó mới cùng bái tế Tam Thanh[15].

Sau khi Tây Vương Mẫu trở thành chủ của chúng nữ tiên, Cửu Thiên Huyền Nữ sau đó cũng được chuyển thành một nữ tiên của Tây Vương Mẫu được sai khiến. Đạo sĩ Trương Quân Phòng (張君房) thời Bắc Tống đã biên soạn "Vân Cấp Thất Thiêm" (雲笈七簽), ghi lại rằng:「"Cửu Thiên Huyền Nữ, là thầy của Hoàng Đế, là đệ tử của Thánh Mẫu Nguyên quân"; 九天玄女者,黃帝之師聖母元君弟子也。」. Theo quan niệm lúc này, Tây Vương Mẫu là "Thánh Mẫu Nguyên quân", người chỉ dạy Hoàng Đế, vì giúp Hoàng Đế mà bà bèn phái Cửu Thiên Huyền Nữ truyền đạt ý của mình trong việc đánh bại Xi Vưu. Trong các sách Sơn đường tứ khảo (山堂肆考), Thông khảo toàn thư (集書詮真) nói rằng Thiết Quải Lý của Bát tiên được Tây Vương Mẫu đem tiên thuật truyền thụ, nên ông mới đắc đạo thành tiên.

Ngoài truyền thuyết

Theo giáo lý đạo Cao Đài thì Tây Vương Mẫu do hai khí âm dương hóa thân mà thành, quyền phép vô biên vô giới, hữu hữu vô vô, nắm trọn thiên điều trong tay mà tác thành Càn khôn thế giới, còn gọi là Kim Bàn Phật Mẫu.

Nữ hậu của trời

Tạo hình Vương Mẫu nương nương - phối ngẫu của Ngọc Hoàng.

Tuy nhiên, trong nhiều phiên bản dân gian, Tây Vương Mẫu là hôn phối của Ngọc Hoàng Đại Đế, nên xưng gọi "Vương Mẫu nương nương", trở thành một đệ nhất phu nhân tôn quý vô bỉ chốn thiên đình. Mối quan hệ này được miêu tả rất rõ trong Tây du ký của Ngô Thừa Ân, cùng hí khúc Thiên tiên ký (天仙配). Lại có thuyết, Ngọc Hoàng là con thứ 10 (9 người anh trước bị Hậu Nghệ bắn chết) của bà và Thiên Đế, sau khi Thiên Đế bị Ma tộc hại, Ngọc Hoàng Đại Đế lên thay.

Trong Thần tiên truyện (神仙傳) cùng Dung Thành tập tiên lục (墉城集仙錄), bà cùng Hạo Thiên Thiên Đế có 24 con gái, trong đó có năm người là có danh tính, bao gồm:

  • Hoa Lâm (华林), con gái thứ 4, hiệu Nam Cực vương phu nhân (南极王夫人)[16].
  • Mị Lan (媚兰), con gái thứ 13, hiệu Hữu Anh vương phu nhân (右英王夫人).
  • Thanh Nga (清娥), con gái thứ 20, hiệu Tử Vi vương phu nhân (紫微王夫人).
  • Dao Cơ (瑶姬), con gái thứ 23, hiệu Vân Hoa phu nhân (云华夫人).
  • Uyển La (婉罗), con gái thứ 24, hiệu Thái Chân vương phu nhân (太真王夫人).

Thời nhà Thanh, nam nữ không được tự do yêu đương, các truyền thuyết đương thời như Ngưu Lang Chức Nữ cùng Đổng Vĩnh và Thất tiên nữ đều hình tượng hóa Tây Vương Mẫu là một nữ thần hà khắc, đóng vai trò chính trong việc chia uyên rẽ thúy. Theo một số phiên bản truyện cổ của Ngưu Lang Chức Nữ, Tây Vương Mẫu ban đầu rất ưng thuận việc kết đôi của hai người, song về sau do Chức Nữ quá đắm chìm vào yêu đương, trễ nãi kỳ hạn dệt vải mới bị trừng phạt. Ngọc Hoàng Đại Đế muốn chia cắt vĩnh viễn hai người, nhưng Tây Vương Mẫu lấy ngày 7 tháng 7 âm lịch hằng năm cho hai người gặp lại nhau tại cầu Hỉ Thước, khai sinh ra truyền thuyết Thất tịch.

Trong Tây du kí có nói, Tây Vương Mẫu có 1 vườn bàn đào, hay sai 7 tiên nữ đem đào từ vườn đào đến Dao Trì để mở hội Bàn Đào, sau bị Tôn Ngộ Không ăn trộm gần hết. Ở hồi thứ 7, Tôn Ngộ Không bị Phật tổ Như Lai hàng phục, Tây Vương Mẫu dẫn chúng tiên nữ đến bái tạ Phật tổ, rồi lại trở về thiên đình ca múa vui vẻ.